Trường hợp không đóng cốp ô tô khi di chuyển có bị phạt không?
Thực tế, nhiều chủ xe đã tận dụng cốp ô tô con để chở đồ vật với kích thước lớn khiến cho cốp xe không thể đóng lại được. Những trường hợp này liệu có bị phạt không?
1. Có buộc phải đóng cốp xe ô tô khi di chuyển?
Nếu như xe tải được yêu cầu phải chốt, đóng cố định cửa sau thùng xe khi xe đang chạy để tránh bị phạt theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì xe ô tô con lại chưa có quy định cụ thể về việc có phải đóng kín cốp xe khi tham gia giao thông hay không.
Do đó, tài xế không buộc phải đóng kín cốp ô tô khi di chuyển trên đường. Nhưng để đảm bảo an toàn, người tham gia giao thông bằng ô tô nên đóng cốp cẩn thận trước khi lăn bánh.
Bởi việc không đóng kín cốp ô tô dù là vô tình hay cố tình thì đây cũng là một hành vi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho những người đi đường khác.
Việc không đóng kín cốp ô tô không chỉ ảnh hưởng đến tầm nhìn phía sau của người điều khiển phương tiện mà còn có thể khiến hàng hóa, đồ đạc bên trong bị vương vãi ra trong quá trình di chuyển ảnh hưởng đến phương tiện khác, nghiêm trọng hơn thì có khả năng gây ra tai nạn giao thông.
2. Không đóng cốp ô tô khi di chuyển có bị phạt không?
Mặc dù không có quy định bắt buộc phải đóng cốp xe ô tô khi đi đường nhưng nếu tận dụng cốp để chở hàng dẫn tới không đóng được cốp xe khi di chuyển thì người tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 72 Luật Giao thông đường bộ, việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô phải đảm bảo hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi, đồng thời cũng phải đảm bảo không chở hàng vượt quá trọng tải và kích thước giới hạn cho phép của xe.
Hướng dẫn chi tiết hơn về quy định này, Điều 15 và Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT nêu rõ, hàng hóa xếp trên xe phải tuân theo các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe. Cụ thể:
– Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép là bằng chiều rộng của thùng xe.
– Chiều dài xếp hàng hóa cho phép không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe và không lớn hơn 20m. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
– Xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe.
Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trường hợp xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự chở hành lý, hàng hóa vượt quá kích thước bao ngoài của xe thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, tài xế còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Do đó, để tránh bị xử phạt, tài xế cần lưu ý xếp hàng gọn gàng trong cốp xe ô tô để đảm bảo an toàn.
3. Thay vì để trong cốp, chất hàng hóa lên ghế ngồi ô tô con có được không?
Theo QCVN 41:2019/BGTVT, xe ô tô con là ô tô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái).
Theo đó, xe ô tô con được thiết kế để chở người chứ không phải là chở hàng hóa.
Trường hợp để hàng hóa trong khoang chở hành khách, người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng theo điểm đ khoản 3 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Có thể bạn sẽ thích:
Trả lời