Hiện tại, mô tô (xe máy) có 3 hệ thống truyền động chính: Xích, dây curoa và trục các-đăng, và cái nào tốt hơn cái nào là một trong những câu hỏi được hỏi nhiều nhất trong thế giới mô tô xe máy.
Dĩ nhiên là có lý do tại sao mỗi chiếc xe lại có một hệ thống truyền động riêng. Trục các đăng được dùng nhiều trên những chiếc xe chạy đường trường như adventure hay tourer, trong khi đó, sên được dùng nhiều cho các dòng xe đường phố và off-road. Còn dây curoa thì được chọn xe scooter và cruiser. Lý do cho những lựa chọn này là gì?
1. Truyền động sên (xích)
Sên chắc chắn là hệ thống truyền động phổ biến nhất, là lựa chọn ưu tiên cho những chiếc sportbike, dirt bike và một số dòng cruiser và touring. Sên là cách hiệu quả nhất để truyền sức mạnh của máy ra bánh sau với chỉ 3% mất mát công suất. Sên cũng rất chắc chắn nên phù hợp với đua drag. Sên cũng rất bền nên sẽ là ưu tiên cho những chiếc xe chạy off-road, vốn lăn lộn với bùn đất quanh năm suốt tháng.
Nhược điểm của sên đó là cần phải được bảo dưỡng thường xuyên. Chúng ta cần rửa sạch đất cát bám vào sên và xịt dưỡng sên để sên có được tình trạng tốt nhất. Một điểm yếu nữa là mỗi khi thay sên thì thường là thay luôn cả nhông dĩa, làm chi phí bảo dưỡng tăng lên. Nếu ai thích sự yên tĩnh như dây curoa hoặc trục các đăng thì sên không phải là lựa chọn của anh em vì khi chạy sên tạo ra tiếng ồn. Thêm nữa, nhông sên dĩa cần phải được cân chỉnh cẩn thận, mọi thứ cần được nằm trên một đường thẳng. Nếu không sên sẽ bị mòn nhanh và tệ hơn là ảnh hưởng tiêu cực để trải nghiệm của anh em khi chạy xe.
2. Truyền động trục
Trục các đăng (shaft drive) là hệ thống truyền động ít cần bảo dưỡng nhất. Anh em chỉ cần nhớt thay dầu đều đặn là được. Việc canh chỉnh ngay hàng thẳng lối với trục các đăng cũng không quá căng thẳng như đối với sên khi mọi thứ ăn khớp với nhau. Trục các đăng rất bền và có thể đi hết quãng đời của một chiếc xe, trừ khi gặp phải sự cố nghiêm trọng. Với những lý do đó thì những dòng xe cruiser hay touring rất ưa chuộng trục các đăng.
Nói vậy không có nghĩa là truyền động bằng trục các đăng không có khuyết điểm. Phần lớn lực máy đáng lẽ ra được truyền ra bánh sau thì bị mất mát do phải đi qua nhiều chi tiết chuyển động khác của trục các đăng. Hiện tượng tăng mô men xoắn cũng là một điểm yếu của trục các đăng, theo đó phần sau của xe bị nâng lên khi người lái tăng tốc mạnh do cách mà trục các đăng làm quay bánh sau, khác với hiện tượng phần sau bị đè xuống như những chiếc xe sử dụng sên hoặc dây curoa. Kết quả là chúng ta sẽ không có được độ bám tối đa như trên những chiếc xe dùng sên hoặc dây curoa.
3. Truyền động dây đai
Dây curoa lúc ban đầu được làm từ… da bò. Những sợi dây cu roa này dễ bị trượt, mau mòn, mau đứt nên dần dần ít được sử dụng vào nửa đầu thế kỷ 20 và nhường chỗ cho sên và trục các đăng. Dây curoa (belt) hoạt động tương tự như sên. Loại truyền động này được nhìn thấy nhiều nhất trên những chiếc xe scooter hay cruiser vì nó mang lại một cảm giác lái êm ái, mượt mà. Dây curoa cần rất ít bảo dưỡng (chỉ kiểm tra định kỳ xem có bị nứt hay không mà thôi) và không cần phải bôi trơn. Dây curoa có tuổi thọ khoảng 30.000 km nếu được sử dụng đúng đắn. Tỷ lệ mất mát công suất vào khoảng 11%, nhiều hơn kha khá so với sên, nhưng vẫn không tệ như trục các đăng.
Dây curoa bền hơn sên nhưng lại dễ bị hư hơn. Nếu có vật tác động lên khi đang hoạt động thì dây dễ nứt hoặc đứt. Thêm nữa là, không giống như sên, lỡ đi đường, đặc biệt là dây curoa mà đứt thì chỉ có gọi cứu hộ mà thôi vì dây curoa thường được làm nguyên chiếc, không như sên có thể nối lại để về nhà. Thay dây curoa có thể tốn tiền hơn sên nhưng anh em có thể sử dụng lại nhông dĩa nên về lâu về dài thì chi phí bảo dưỡng rẻ hơn sên.
Có thể bạn sẽ thích:
Trả lời