Thị trường ô tô toàn cầu đang chứng kiến sự trỗi dậy của các dòng xe ô tô điện.
Tại nước ta, những chiếc ô tô điện “made in Vietnam” đầu tiên của VinFast đã lăn bánh trên đường phố. Theo đó, những quy định về xe ô tô điện cũng như mức xử phạt liên quan đến loại phương tiện này cũng là thông tin mà nhiều người dùng quan tâm.
Để xe ô tô điện đi vào cuộc sống, bên cạnh nỗ lực của các nhà sản xuất thì hệ thống quy phạm pháp luật cũng cần được phổ biến nhằm giúp người dân lưu hành đúng cách. Dưới đây là những quy định về xe ô tô điện mà người dùng cần nắm rõ.
1. Ô tô điện phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Khoản 17 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, khi lưu thông trên đường, ô tô nói chung, xe điện nói riêng phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm:
- Có đủ hệ thống hãm, hệ thống chuyển hướng có hiệu lực.
- Vô lăng nằm bên trái của xe, không có trường hợp ngoại lệ.
- Có đủ hệ thống đèn gồm: đèn chiếu sáng gần và xa; đèn soi biển số; đèn báo hãm; đèn tín hiệu.
- Bánh lốp đúng kích cỡ và tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất.
- Có đủ gương chiếu hậu và các trang, thiết bị bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển.
- Kính chắn gió, kính cửa được làm từ vật liệu an toàn.
- Còi có âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật.
- Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang, thiết bị hỗ trợ bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.
- Xe có kết cấu đủ độ bền, vận hành ổn định.
Khác với phương tiện sử dụng động cơ đốt trong có quy trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, ô tô điện sử dụng năng lượng điện nên sẽ được bỏ qua công đoạn kiểm tra hệ thống khí thải.
Trong trường hợp ô tô điện không đảm bảo những tiêu chuẩn trên sẽ không đủ được đăng kiểm. Chủ xe điều khiển phương tiện hết hạn đăng kiểm có thể bị phạt hành chính tối đa 8 triệu đồng. Nếu phương tiện gây tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng có thể bị khởi tố hình sự.
2. Quy định về đăng kiểm ô tô điện
Đăng kiểm ô tô là thủ tục hành chính mang tính xác nhận xe đủ điều kiện an toàn trước khi tham gia giao thông. Theo đó, ô tô điện muốn lưu hành tại Việt Nam cần được thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đến đăng kiểm, đăng ký.
Tương tự như quy định áp dụng với ô tô xăng, ô tô điện không tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải sẽ thực hiện đăng kiểm:
- Chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng
- Từ lần thứ 2, chu kỳ rút ngắn còn 18 tháng
- Từ năm thứ 7 kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm là 12 tháng
- Từ năm thứ 12, chu kỳ đăng kiểm còn 6 tháng
Quy trình đăng kiểm bao gồm:
- Nộp hồ sơ bao gồm: giấy tờ đăng ký xe hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký, bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
- Khám xe với 5 công đoạn gồm: kiểm tra nhận dạng tổng quát; kiểm tra phần trên của phương tiện; kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang; kiểm tra môi trường; kiểm tra phần dưới của phương tiện.
- Đóng phí bảo trì đường bộ: đối với xe chở người dưới 10 chỗ có mức phí cụ thể là:
– 1 tháng: 130.000 VNĐ
– 3 tháng: 390.000 VNĐ
– 6 tháng: 780.000 VNĐ
– 12 tháng: 1.560.000 VNĐ
– 18 tháng: 2.280.000 VNĐ
– 24 tháng: 3.000.000 VNĐ
– 30 tháng: 3.660.000 VNĐ
- Dán tem đăng kiểm: tem màu xanh dành cho xe không kinh doanh vận tải; tem màu vàng cam dành cho xe kinh doanh vận tải.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong trường hợp xe điện chưa được đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu hành sẽ bị phạt hành chính từ 3 triệu đồng hoặc tạm giữ phương tiện trong 7 ngày trước khi ra quy định xử phạt.
3. Biển số ô tô điện phải do cơ quan có thẩm quyền cấp
Cũng giống như quy định áp dụng với ô tô sử dụng động cơ đốt trong, ô tô điện muốn tham gia giao thông phải đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp biển số. Nếu không có biển số, xe không được phép lưu thông, trừ trường hơp ô tô được cấp đăng ký tạm thời. Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời chỉ có thời hạn tối đa 30 ngày và bị giới hạn tuyến đường, phạm vi hoạt động.
Theo quy định về xe ô tô điện, nếu điều khiển phương tiện không gắn biển số, lái xe bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trong trường hợp ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, mức phạt lên tới 4-6 triệu đồng, đồng thời tịch thu biển số không đúng quy định, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
4. Quy định về bằng lái ô tô điện
Sự khác biệt lớn nhất của ô tô điện so với các loại ô tô khác là sử dụng năng lượng điện để vận hành. Vì thế người điều khiển có thể sử dụng bằng lái xe hạng B1 trở lên, không cần sử dụng loại bằng riêng biệt khi lưu hành.
Điều kiện để cấp bằng lái xe gồm:
- Công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Hồ sơ xin giấy phép lái xe gồm:
– CMND/ CCCD
– Giấy khám sức khỏe không vượt quá 3 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ.
Trường hợp người điều khiển ô tô điện quên giấy phép lái xe sẽ bị phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng, giống quy định áp dụng cho các dòng ô tô xăng, dầu. Còn nếu không có giấy phép lái xe, người điều khiển bị phạt tối đa tới 6 triệu đồng.
5. Quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với ô tô điện
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó có ô tô điện. Đây là một trong những loại giấy tờ quan trọng, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải đem theo khi tham gia giao thông.
Theo đó, mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với ô tô điện không kinh doanh vận tải dưới 6 chỗ là 437.000 đồng. Thời hạn bảo hiểm tối thiểu 1 năm, tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ.
Phạm vi bồi thường thiệt hại của bảo hiểm ô tô điện gồm:
- Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
- Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra.
Trong đó, mức độ bồi thường bảo hiểm được xác định theo từng loại thương tật, thiệt hại theo quy định nhưng tổng mức bồi thường không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển ô tô điện không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe cơ giới sẽ bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, ô tô điện sẽ sớm thay thế xe động cơ đốt trong. Việc tuân thủ các quy định về xe ô tô điện sẽ giúp chủ phương tiện hạn chế vi phạm giao thông đồng thời phát huy được tối đa lợi thế của loại phương tiện xanh này.
Có thể bạn sẽ thích:
Trả lời