Năm 2008, Việt Nam đưa ra quy định để quản lý blog giống như báo chí nhưng lại không công nhận blog là một loại hình báo chí. Vậy đã 10 năm trôi qua, với sự phát triển vượt bậc của internet, blog, mạng xã hội… thì liệu quy định này có còn phù hợp và có nên coi Blog là một loại hình báo chí không?
Khái quát về Blog
Blog là gì?
Blog là một nhật ký trực tuyến, thường do một cá nhân xây dựng nhưng cũng có những blog có hẳn một đội ngũ rất chuyên nghiệp đứng sau. Các blog sẽ tập trung viết về lĩnh vực nhất định chứ không đa dạng như báo chí.
Khái niệm blog đã có từ những năm cuối của thế kỷ trước. Nó là thuật ngữ được ghép bởi hai từ web + blog, có nghĩa là nhật ký trên trang mạng trực tuyến.
Các Blog nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay như: Bay nhé, Du lịch bụi, Thạch Phạm, Canh Me,..
Tham khảo thêm:
- Bắt đầu viết Blog thì nên chọn Blogger hay WordPress.
- Hướng dẫn chọn CHỦ ĐỀ & TÊN MIỀN để viết Blog kiếm tiền.
Sự phát triển của blog ở Việt Nam
Ngay từ những ngày đầu tiên, thì blog đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dùng internet trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam thì thời kỳ bùng nổ của blog là vào những năm 2006 – 2008. Khi mà công ty Yahoo ra mắt nền tảng blog 360. Với nền tảng này, tất cả mọi người đều dễ dàng tạo cho mình một trang nhật ký riêng.
Theo thống kê của Technorati (được coi như google của blog) thì đến tháng 11/2006, trên toàn thế giới có khoảng 60 triệu blog, cứ khoảng nửa giây lại có một blog mới ra đời, tức là có khoảng 175.000 blog mới xuất hiện mỗi ngày và cứ khoảng nửa năm thì số lượng blog tại tăng gấp đôi. Mỗi ngày có khoảng 1,6 triệu tin bài được tải lên blog.
Ở thời kỳ này, blog phát triển rất mạnh mẽ. Đa phần các blogger đều dùng nó để chia sẻ những vấn đề xoay quanh cuộc sống cá nhân. Đúng với bản chất là một nhật ký.
Đến những năm 2010 – 2011, thì đây là thời kỳ bùng nổ của các mạng xã hội. Vì vậy những người chỉ dùng blog để chia sẻ cuộc sống cá nhân, đa phần đã chuyển sang sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter…Thời kỳ này blog được phát triển thêm một nấc thang mới. Khi nó được các blogger nâng cấp trở thành một “trang tin tức cá nhân” nhằm chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị, quân sự… Những vấn đề này trước đây đa phần chỉ được các tờ báo chính thống đăng tải.
Đến thời gian gần đây, thì blog hay blogger lại thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Khi hàng loạt blogger như Mẹ Nấm, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Duy Thức… bị bắt giữ với cáo buộc là “chống phá nhà nước“. Tôi xin phép không bàn đến chuyện đúng sai đối với các blogger này.
Ảnh hưởng của blog đối với cuộc sống như thế nào?
Theo Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp thì Blog sẽ làm xã hội thông thoáng, cởi mở, đầy đủ thông tin và hiểu biết lẫn nhau hơn. Blog ngày càng phát triển và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống:
- Số lượng của các blog là vô cùng lớn, chưa có một con số thống kê nào chính xác (năm 2018). Nhưng 26% trang web trên toàn thế giới hiện nay sử dụng mã nguồn WordPress, một mã nguồn được sinh ra để làm blog. Đủ cho thấy số lượng nhiều đến thế nào. Chưa kể hàng trăm những dịch vụ, nền tảng để làm blog khác nữa.
- Theo như nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp thì Việt Nam có khoảng 2 triệu blog và con số đó vẫn không ngừng tăng lên. (số liệu năm 2011).
- Những người nổi tiếng của lĩnh vực giải trí ở Việt Nam thì gần như ai cũng có cho mình một trang tin tức cá nhân (một biến thể của blog).
- Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đều sở hữu blog cá nhân.
- Nhiều nhà báo cũng là các blogger( theo Tạp Chí Tài Chính Điện Tử thì có 16% số phóng viên trên toàn thế giới sở hữu blog).
- Có những blog nhận được cả triệu lượt xem mỗi tháng. Thậm chí còn nhiều hơn cả một số trang tin tức chính thống.
VD: Kiemtiencenter.com & Ngocdenroi.com
Theo Shane Evans, Phó Tổng biên tập của Goal.com, từng tuyên bố: “Đã qua rồi cái thời bạn cần một cái bằng báo chí để có thể làm việc trong lĩnh vực này. Ngày nay, nếu những bài viết trên blog của bạn thu hút hàng ngàn, hàng triệu lượt truy cập thì rõ ràng bạn là một cây bút có tầm ảnh hưởng lớn”.
Dù rằng, phần lớn những bài viết trên các blog đều không được kiểm duyệt nhưng có rất nhiều bài viết cực kỳ sâu sắc và đa chiều. Điều mà các tờ báo hiện nay đang vô cùng khao khát.
Moquocte.com là một ví dụ. Đây là một blog về quân sự có những cái nhìn vô cùng sâu sắc. Mặc dù tác giả này ẩn danh nhưng những bài viết của ông được mọi người chia sẻ rất mạnh mẽ. Nhiều bài viết của ông còn được các trang mạng hàng đầu Trung Quốc như Sina, Sohu… dẫn nguồn. Hay như trên kênh Youtube của trang này là VN Youtuber đang có tới 322.000 người theo dõi.
Chúng ta thấy rõ ràng chỉ là một blogger đơn lẻ mà đã nhận được sự quan tâm lớn đến như thế nào. Thậm chí còn là một blogger ẩn danh. Đây chỉ là một trong số những ví dụ về sức ảnh hưởng của blog tới độc giả.
Theo những nghiên cứu gần đây của Facebook, thì mọi người đang có xu hướng thích cập nhật tin tức trên các mạng xã hội (một dạng blog cá nhân mới) hơn là trên các thông tin chính thống. Bởi vì chúng thường nhanh chóng và không bị kiểm duyệt.
Tham khảo thêm:
- Viết blog kiếm tiền – Tại sao không thử sức?
- Cách kiếm tiền với blog phổ biến thông qua 5 bước cơ bản
Mối quan hệ của blog với báo chí như thế nào?
Trong thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18/12/2008 của Bộ TT&TT hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân và nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet nói rõ blog không thể là báo chí.
Blog và báo chí có quan hệ mật thiết với nhau
Có một điều mà chúng ta thấy là các blogger thường sẽ không đi tác nghiệp như các phóng viên. Đa phần những bài viết của họ đều bắt nguồn từ những vấn đề trên báo chí, sao chép hoặc tổng hợp lại thông tin từ báo chính thống dưới góc nhìn cá nhân của họ, kèm các link dẫn để minh họa.
Blog được coi là nơi cho những người muốn trở thành nhà báo thực tập. Bằng cách viết những thứ mà họ quan tâm lên trang cá nhân. Các blogger có thể tạo ra một trang tin của riêng mình dễ dàng hơn nhiều so với trở thành một nhà báo thực thụ. Nếu họ có thể cung cấp thông tin giá trị và được nhiều độc giả đánh giá cao. Rất có thể họ sẽ trở thành đối tác cung cấp tin của một hãng tin chính thống.
Ví dụ: Blog FiveThirtyEight.com đã được tờ New York Times mua lại tin tức hàng ngày.
Hơn nữa, nhiều khi các bài viết trên blog là một nguồn tư liệu phong phú và dễ tìm cho các nhà báo. Bởi nhiều blog có sự uy tín rất cao không khác gì các tạp chí khoa học.Theo số liệu thống kê của Brodeur và MarketWire: có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn. Ngoài ra, có tới 21% trong số họ bỏ ra 1 tiếng mỗi ngày để đọc blog.
Những đề tài đã có trên báo chí, tại sao vẫn có những người đọc blog?
Có một câu nói mà tôi thường thấy những nhà báo, phóng viên rỉ tai nhau là “báo chí là nơi thiếu thông tin nhất”. Bởi vì đôi khi các bài báo không thể hiện được hết vấn đề và sự khách quan, do chúng chịu sự ràng buộc bởi chính trị, tôn giáo… Đến lúc này thì blog được coi là cứu cánh cho người đọc, nhiều khi là cả người viết. Vì họ “không được phép viết thứ không được viết” trên các tờ báo chính thống. Nhưng trên blog riêng thì họ có thể viết bất cứ thứ gì mà họ muốn.
Thêm một lý do cho việc blog vẫn luôn có một lượng độc giả lớn là ngôn từ gần gũi, cũng như là ý kiến của tác giả được thể hiện rõ nét. Vì thế khi đọc sẽ có cảm giác đó như là một cuộc nói chuyện hơn là một bài viết. Điều này ít thấy xuất hiện trên các tờ báo.
Một cách kết bài mà tôi thấy khá nhiều phóng viên & nhà báo hay sử dụng đó là bỏ ngỏ:
- Các cơ quan chức năng đã ở đâu?
- Chúng ta sẽ cùng đợi câu trả lời của các cơ quan chức năng.
- Liệu điều này có thay đổi trong tương lai hay không?
Đây không phải là thứ độc giả muốn biết. Độc giả thường sẽ quan tâm đến kết quả cuối cùng hơn là những câu hỏi bỏ ngỏ như thế này?
Và khi này blog sẽ phát huy tác dụng của nó đối với báo chí.
Vì vậy tôi cho rằng blog và báo chí luôn có một mối quan hệ rất mật thiết, hỗ trợ cho nhau. Ranh giới giữa chúng thật sự khá mong manh. Còn mong manh như thế nào thì phụ thuộc rất nhiều vào pháp luật & quy định của từng quốc gia.
Vậy có nên coi blog là một loại hình báo chí không?
Hiện tại, với những quy định của pháp luật ở Việt Nam thì blog chưa được coi là một loại hình báo chí.
Báo chí ở Việt Nam luôn được coi là công cụ tuyên truyền chính sách của Đảng & nhà nước. Cũng vì thế mà các tờ báo đều chịu sự quản lý về nội của Ban tuyên giáo TW và Bộ Thông tin – Truyền thông. Các thông tin đều được quản lý vô cùng chặt chẽ. Những thông tin không có lợi cho Đảng và nhà nước rất hiếm khi được đăng tải.
Theo đó, nếu blog muốn được trở thành một loại hình báo chí thì cũng cần phải chịu sự kiểm duyệt trước khi các bài viết được đăng tải.
Các blogger có muốn các bài viết của họ bị kiểm duyệt trước khi đăng tải không? Câu trả lời có lẽ là không.
Nhà nước có chấp nhận để các bài báo được đăng tải mà không bị kiểm duyệt không? Câu trả lời có lẽ cũng là không.
Còn một vấn đề nữa là việc quản lý hàng triệu blog và vài chục triệu bài viết được đăng tải mỗi ngày là một điều vô cùng khó khăn. Cùng với sự ra đời của những dạng blog mới như mạng xã hội, Vlog, Alog (audio blog)… thì việc này sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
Nếu chưa tìm ra được cách để có thể kiểm duyệt được tất cả các blog, thì rất khó để Việt Nam có thể chấp nhận blog là một loại hình báo chí.
Kết luận
Trong bài viết này, tôi đã khái quát về Blog và phân tích tại sao blog khó có thể được coi là một loại hình báo chí ở Việt Nam. Cho dù ảnh hưởng của blog đối với báo chí là không hề nhỏ. Blog cũng có nhiều ưu điểm mà báo chí hiện nay chưa có được. Tôi nhận thấy rằng chúng luôn có mối quan hệ mật thiết và ranh giới giữa chúng thật sự không rõ ràng.
Có thể bạn sẽ cần:
bài viết hay quá, mình đã đọc rất kĩ những có 1 thắc mắc là mình không hiểu Mối quan hệ của blog với báo chí như thế nào? mình không hiểu về vấn đề này.
Hiểu đơn giản thì là như thế này: Blog và báo chí cùng là cung cấp thông tin đến cho bạn đọc. Báo chí thì cung cấp thông tin dưới dạng khách quan còn blog thì thường hay viết theo đánh giá cá nhân. Còn việc thông tin đúng hay sai của báo chí & blog thì chưa bàn đến được.
Chào ad, cho tôi hỏi điều này có được ko. Tôi mới học SEO nên kiến thức còn hạn chế. Theo ad thì 1 bài viết thì nên chèn bao nhiêu liên kết nội bộ và liên kết ngoài?. Mình có đọc một số bài viết mà vẫn chưa hiểu sâu về vấn đề này. Hy vọng ad sẽ phản hồi giúp đỡ ạ. Xin cảm ơn ad
Số lượng liên kết nội bộ và liên kết ngoài thì sẽ không thể tính theo cụ thể được. Nhưng với những bài viết như của mình (khoảng 600 – 1000 chữ) thì mình hay sử dụng khoảng 3-5 liên kết nội bộ (phải liên quan tới bài viết). Còn liên kết ngoài thì mình ít sử dụng, chỉ khi nào thông tin ví dụ như văn bản hành chính hay web mình giới thiệu thì mình mới để link sang các trang khác.
Tuyệt vời!